Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
258088

Đồng Tiến là xã thuần nông, thuộc vùng đồng chiêm trũng, nằm ở phía đông nam huyện Triệu Sơn, ở tọa độ từ 19o 45’ đến 19o 50’ vĩ độ bắc và  1050  40’  kinh độ đông.

Phía bắc giáp xã Đông Hòa, Đông Yên ( huyện Đông Sơn );

Phía nam giáp xã Đồng Thắng, Đồng Lợi ( huyện Triệu Sơn);

Phía đông giáp xã Đông Văn, Đông Phú ( huyện Đông Sơn );

Phía tây giáp xã Khuyến Nông.

Chiều rộng từ đông sang tây là 2,5km và chiều dài từ từ bắc xuống nam là 4,5km. Diện tích tự nhiên của xã là 743,19 ha, trong đó diện tích đất canh tác là 463,73 ha; đất thổ cư là 101,32 ha; đất ao hồ là 8,46 ha… còn lại là đất khác.

Xã Đồng Tiến với dân số 8.054 người với hơn 2000 hộ, mật độ dân số là 1.118 người/km2. Dân tộc Kinh chiếm 99,7%, còn lại là các dân tộc thiểu số do định cư đến và do xây dựng gia đình về sinh sống. Trước đây xã có 13 thôn, gồm: thôn Trúc Chuẩn 1,  Trúc Chuẩn 2, Trúc Chuẩn 3, Trúc Chuẩn 4, Đồng Xá 1, Đồng Xá 2, Đồng Xá 3, Thị Tứ, Đồng Vinh 1, Đồng Vinh 2, Phúc Ấm 1, Phúc Ấm 2 và Đồng Bèo. Từ cuối năm 2018 thực hiện đền án sáp nhập thôn trên địa bàn xã Đồng Tiến, xã từ 13 thôn sáp nhập lại còn 10 thôn, gồm: thôn Trúc Chuẩn 1,  Trúc Chuẩn 2, Trúc Chuẩn 3, Đồng Xá 1, Đồng Xá 2, Thị Tứ, Đồng Vinh,  Phúc Ấm 1, Phúc Ấm 2 và Đồng Bèo

Đồng Tiến nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, hàng năm chịu ảnh hưởng của 2 loại gió mùa: mùa hè chịu ảnh hưởng của gió mùa đông nam; mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, giá rét khô hanh; ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của gió tây nam khô nóng; mùa mưa thường đến muộn và kèm theo lũ lụt.

Thổ nhưỡng, đất đai của xã chủ yếu đất phù sa cổ đã canh tác thuần thục lâu đời, gồm 2 loại: đất phù sa không được bồi phân bố ở các chân đồng thường bị ngập nước chỉ trồng được 2 vụ lúa; đất phù sa được bồi hàng năm, có tầng loang lổ đỏ vàng, phân bổ ở các địa hình cao, thích hợp để thâm canh 3 vụ, chiếm 70% diện tích toàn xã.

Về hệ thống sông ngòi: Sông chảy qua địa phận xã có sông Hoàng. Sông Hoàng có hai nhánh đều bắt nguồn từ huyện Thọ Xuân. Nhánh xuất phát từ các xã Xuân Phú, Xuân Sơn chảy qua huyện Triệu Sơn gặp nhánh sông kia ở xã Thiệu Lý (huyện Thiệu Hóa) thành dòng chính và có đoạn làm ranh giới tự nhiên giữa huyện Triệu Sơn và huyện Đông Sơn. Riêng đoạn sông Hoàng chảy qua xã Đồng Tiến có chiều dài 2,4km đã chia đôi xã Đồng Tiến: bên bờ tả là làng Đồng Xá, gồm: Đồng Xá 1, Đồng Xá 2 và một phần Thị Tứ Gốm; bên bờ hữu là làng Trúc Chuẩn, gồm: Trúc Chuẩn 1, Trúc Chuẩn 2, Trúc Chuẩn 3 và một phần Thị Tứ Gốm. Cầu Gốm bắc qua sông hoàng trên đường giao thông Tỉnh lộ 517. Trước đây, sông Hoàng là hệ thống giao thông đường thủy quan trọng trong các cuộc kháng chiến của dân tộc và góp phần giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa của cả vùng đất này.

Hệ thống giao thông bộ: Từ trung tâm xã đi theo đường Tỉnh lộ 517 về phía nam tới xã Tân Ninh ( nơi có núi Nưa và Am Tiên huyền thoại) và đi sang Cầu Quan (huyện Nông Cống); đi về phía bắc gặp Quốc lộ 47 tại xã Đông Tân, thành phố Thanh Hóa, rất thuận tiện cho việc giao thương và đi lại của nhân dân. Hiện nay, các đường liên thôn, liên xóm đã được mở rộng, bê tông hóa, đảm bảo đi lại, sinh hoạt dễ dàng, góp phần giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hiện nay toàn xã có 80 dòng họ khác nhau phân bố ở 10 thôn.

Các làng trong xã tuy có dòng họ đến trước, dòng họ đến sau và ở những địa điểm khác nhau, nhưng từ xa xưa người dân nơi đây đã biết dựa vào nhau thành những cộng đồng dân cư bền vững. Trải qua các bước thăng trầm của thời gian, bằng ý chí và nghị lực, các thế hệ cha ông đã để lại những cánh đồng xanh tươi, làng mạc trù phú và hun đúc nên truyền thống, tạo nên nguồn nội lực cho thế hệ tiếp nối tiến bước đi lên, xây dựng quê hương ngày một phát triển, giàu đẹp và văn minh.

                                                                                          ( Trích Lịch sử Đảng bộ xã Đồng Tiến)